Perfect Days - Thế nào là một bộ phim hay?

Perfect Days - Những ngày hoàn hảo

Perfect Days
Perfect Days
"Thế nào là một bộ phim hay?" - Một câu hỏi thật dễ để hỏi, cũng rất dễ để trả lời, song, nhận định đúng hay sai lại vô cùng khó khăn. Theo bạn, yếu tố nào sẽ được đặt lên để ưu tiên so sánh. Là một bộ phim thắng giải giải thưởng danh giá, hay những bộ phim có doanh thu hàng triệu đô tại rạp? Một bộ phim được đầu tư kinh phí khủng vào CGI hay những bộ phim với hình ảnh chân thật.. Vậy liệu có dễ dàng hơn nếu chúng ta gom tất cả chúng lại với nhau. Một bộ phim có tất cả những yếu tố trên thì sao nhỉ? Và chúng ta sẽ có một bộ phim "hoàn hảo"? Tiếc thay, điều này lại diễn ra khó hơn như thế rất nhiều. Không phải ai cũng có thể mê mẫn đắm chìm trong những hình ảnh ẩn dụ, những câu thoại nhiều tầng nhiều nghĩa của một bộ phim dành giải Oscar. Vậy nên, sẽ luôn có nhiều hơn một định nghĩa về "phim hay" cho mọi người. Trong số những rắc rối lộn xộn ấy, "Perfect Days" xuất hiện với những gì đơn giản nhất. Thô sơ, mộc mạc, đơn giản nhưng cũng không thiếu phần suy ngẫm, trầm tư.
img_0
 
Bước ngay vào phim, chúng ta cùng với nhân vật chính Hirayama - một người dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng ở Tokyo - bị mắc kẹt trong những khung hình và không gian. Hirayama sống trong một căn nhà nhỏ, bị giới hạn bởi những bức tường, trong một con hẻm, thứ bị giới hạn bởi những toàn nhà cao tầng bên cạnh ở Tokyo. Ông mắc kẹt trong chiếc ô tô nhỏ khi di chuyển tới chỗ làm để rồi lại phải đặt mình trong không gian của những nhà vệ sinh công cộng để làm việc. Tỉ lệ khung hình 1,33:1 đem đến một trải nghiệm mới lạ nhưng lại càng thêm chật chội với những "bức tường" vô hình đã xuất hiện sẵn trong phim. Kì lạ thay, trong hoàn cảnh ấy, chúng ta thường xuyên bắt gặp những nụ cười của Hirayama. Ông hài lòng với công việc hiện tại, với cuộc sống, với sự phiền hà, chờ đợi. Một người đàn ông trách nhiệm, tỉ mỉ, cẩn thận và cũng tế nhị vô cùng. Một người hướng nội tới mức làm người ta dù đã quen nhưng vẫn cảm thấy lạ lùng tới khó hiểu. Gần một tiếng đầu của phim, chúng ta dường như mắc kẹt trong vòng lặp giữa những thói quen và công việc của Hirayama. Nhưng điều đó, may mắn thay lại không buồn chán mà lại rất thú vị. Người đàn ông đó kiệm lời tới mức trong quãng thời lượng đó, số câu thoại của ông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những hình ảnh, hành động, cử chỉ và đặc biệt là âm nhạc đã thay ông kể lại câu chuyện của chính mình. Ngược lại, ông lại chả ngần ngại tiết kiệm nụ cười của mình. Dù chỉ là một nụ cười mỉm chi, ông chia sẽ điều đó với tất cả. Ông yêu thiên nhiên, yêu con người nhưng việc thể hiện đó lại khác đi rất nhiều. Ông âu yếm những cái cây nhỏ, chụp hình thiên nhiên bằng chiếc máy ảnh cũ đen trắng ông có, giúp đỡ những con người xung quanh một cách vui vẻ, niềm nở nhất.
Để rồi, cuộc đời người lao công bắt đầu có những chuyển biến sau những cuộc gặp gỡ. Đầu tiên là người đồng nghiệp trẻ tuổi Takashi và cô tình nhân của anh chàng. Takashi hiện lên trong một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với ông. Một người trẻ với những than vãn không ngừng về cuộc đời và những con số khô khan. Vượt qua cả khác biệt thế hệ và tính cách, hai người đại diện cho những gì còn to lớn hơn thế. Hirayama là quá khứ, là những gì cũ kĩ tưởng đã bị bỏ quên trong thế giới hiện đại bấy giờ, Takashi là một cuộc sống hiện đại đương thời, nơi có vô vàn áp lực lên những người trẻ như tiền bạc, công việc hay cả những mối quan hệ yêu đương. Nhưng Hirayama đã chứng minh rằng không có quá khứ nào đáng ghét tới mức chối bỏ, ông thông cảm, thấu hiểu và giúp đỡ cho những khó khăn của chàng trai trẻ đồng nghiệp. Cô tình nhân của Takashi, với những sự tử tế và niềm yêu thích âm nhạc trong những bộ cassette cũ kĩ xuất hiện như một chiến cầu tạm nối giữa hai con người tưởng chừng như ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Cuộc gặp gỡ thứ hai của Hirayama là với cô cháu Niko. Trùng hợp thay, cô bé giống ông tới kì lạ. Niko đến cũng mang theo những bí ẩn của người đàn ông ấy. Từ quá khứ, tới những giấc mơ đen trắng nửa hư nửa thực. Có khi, đó là những bức ảnh mà ông đã tự chụp, cũng có thể đó cũng từng là những mảnh kí ức mà theo tháng năm đã dần mất đi sự nguyên vẹn. Niko tới, thấu hiểu và đồng cảm với người bác già của mình. Đứa trẻ ấy, xét trong một hoàn cảnh nào đó, lại hiểu chuyện vô cùng. Cô sẵn sàng đi theo và giúp đỡ một phần công việc ấy, cô chứng kiến và công nhận sức lao động, những hành động nhỏ nhặt mà tỉ mỉ được bác mình thực hiện một cách nhẹ nhàng. Lần đầu tiên chúng ta chứng kiến nhân vật chính trò chuyện nhiều tới vậy. Từ việc trả lời những câu hỏi của đứa trẻ, tới những câu hỏi, lời hứa...và cũng là lần đầu trong những bức ảnh đen trắng ấy có bóng dáng con người.
Đến lúc này, dường như nội tâm của nhân vật chính đã lung lay dữ dội. Ông nhận ra sự khác biệt to lớn giữa một mình và cô đơn. Ông chấp nhận rằng thế giới xung quanh vốn dĩ phức tạp hơn thế nhiều và bắt đầu chấp nhận sự hoà nhập của nó. Lần đầu tiên ông khóc, lần đầu tiên ông phản kháng và cũng là lần đầu tiên ông tỏ ra khó khăn với công việc tưởng chừng đã quen thuộc với chính bản thân mình. Một chút bất an và sợ hãi thoáng qua, nhưng cuộc gặp mặt cuối cùng dường như chính là lời khẳng định đanh thép nhất về việc người đàn ông ấy đã khác đi thế nào.
Cuộc gặp gỡ có phần bất ngờ với chồng cũ của bà chủ quán ăn đã khiến Hirayama chấp nhận với những bản ngã trước đây ông vốn chôn giấu. Ông đồng cảm, cảm nhận những quy luật của cuộc sống. Ông cố gắng đi tìm lời giải cho một thắc mắc kì lạ đến nực cười: "Bóng tối liệu có trở nên tối hơn khi chúng giao nhau?", cố gắng đuổi theo cái bóng của ai đó, để rồi chính cái bóng của mình lại khiến ai khác phải đuổi theo. Để rồi, trong cảnh cuối phim, trong cảnh chiều tàn, của cả ngày và cả cuộc đời của ông, Hirayama đã cười và khóc.
Phải nói rằng, Perfect Days không phải là một phim quá dễ xem. Việc không có một cốt truyện khiến cho nhân vật chính trở nên bí ẩn hơn trong rất nhiều mối quan hệ phức tạp của ông. Phim cũng không có một người dẫn chuyện cụ thể, không có những lời thoại cung cấp thông tin. Bạn có thể hiểu phim theo khía cạnh này, cũng có thể phản biện rằng phim đang nói về điều khác. Tất cả đều đúng, bộ phim mở ra và lại tiếp tục mở ra như đón nhận tất cả cảm nhận, góc nhìn của mọi khán giả. Câu chuyện phim được kể chủ yếu bằng hình ảnh và âm nhạc. Và đây là lúc chúng ta nên dùng những lời tôn vinh cho thứ ngôn ngữ này. Nhẹ nhàng có, năng lượng có và còn cả đôi lúc gấp gáp, dồn dập. Bên cạnh đó là sự hoá thân của nam diễn viên kì cựu Koji Yakusho. Tất cả những điều trên, có thể không thể đạt tới sự "hoàn hảo" như tiêu đề phim, nhưng là đủ hay, đủ xuất sắc, đủ ấn tượng để tạo nên một bộ phim thế này.
Sau cùng, một bộ phim hay là khi bạn cảm nhận được nhiều hơn một thành quả sau những trải nghiệm nó mang lại. Có thể là đồng cảm, là thấy hình bóng mình trong đó, hay những quyết định, những câu nói. Có thể, vào một ngày nào khác, ở một độ tuổi nào khác, Perfect Days có thể là một trải nghiệm thảm hoạ với mình, nhưng ngay lúc này, bộ phim với mình thực sự là một trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời. "Lần tới là lần tới, còn bây giờ là bây giờ"
Cám ơn bạn vì đã đọc đến tận đây, mình là c0nnnect9r!

CÁC REVIEW KHÁC CỦA PHIM NÀY

No data