Mình vẫn còn nhớ câu nói đùa của người bạn thân lâu ngày không gặp lại. Cậu bạn đã làm việc ở Sài Gòn được 6 năm sau khi trải nghiệm vài năm lập nghiệp ở Hà Nội, một dịp về quê ăn tết cậu trêu là “Tao từ Sài Gòn về Hà Nội thấy nhịp sống đã chậm hơn rồi, đằng này về quê ăn tết nhịp sống như dừng hẳn.”
Nhịp sống của một cậu thanh niên thất nghiệp trong phim, sống nhờ vào bình luận game trên mạng có lẽ cũng không sôi động lắm nhưng rõ ràng, khi đến chăm ngoại đang ở những ngày cuối cùng của cuộc đời với căn bệnh ung thư thì rõ ràng là nhịp sống dừng lại. Đó là một trong số những điểm mình để ý ngay từ phút đầu tiên của phim, nhịp phim chậm rãi như bước chân của ngoại nhưng không hề khiến mình sốt ruột, mình sẵn sàng chờ đợi bước chân ấy từ sân lên hiên nhà, từ từ bước lên từng bậc cầu thang, chậm rãi lê qua căn nhà của một người bạn già cũng mắc bệnh ung thư nhưng không có may mắn được cháu trai đến chăm nom.
Ngoại dành chiếc áo đẹp cho con cháu ngắm
Chủ nhật hàng tuần ngoại mặc một chiếc áo hoa rất đẹp, và mình thấy nó đẹp thật, ngồi trước hiên nhà chờ con cháu tới thăm. Nếu là chúng ta, những đứa con đứa cháu, có lẽ chỉ trưng diện lúc ở nhà vào dịp tết, hoặc khi có thật nhiều người lạ ngắm nghía ta. Nhưng ngoại, chỉ chờ ngày con cháu đông đủ, ngoại trưng diện cho đứa con gái làm ca ở siêu thị ngắm, cho cậu con trai trọc phú ngắm, cho cậu út vỡ nợ ngắm. Ngoại muốn ngoại thật đẹp trong mắt người thân yêu, vì với ngoại, con cháu đến thăm chính là một dịp đặc biệt.
Ngoại dường như muốn dành những điều đẹp nhất, mà đơn giản là đẹp mắt nhất cho những người thân yêu. Phải chăng chúng ta thì ngược lại, ở nhà đâu có trưng diện gì mấy, chỉ toàn người nhà, ai ngắm.
Ngoại bình thường hóa cái chết đồng thời cũng rất sợ cái chết
Chi tiết ngoại đi ngang qua nhà người bạn lúc đi bán cháo sáng về khiến mình bật cười. Bà gọi to một tiếng như thể kiểm tra xem người bạn già "còn đó" không, ngoại ghé tai vào người bạn già “khoe” rằng mình cũng đã giống người bạn đó, ung thư - dạ dày - giai đoạn bốn. Chúng mình thường nói người già họ không còn sợ gì nữa, họ nhìn thấu hồng trần, họ hỉ nộ ái ố, họ lên xuống ngang dọc rồi, không sợ thần không sợ quỷ. Cũng bởi thế mà họ bình thường hóa cái chết.
Vậy mà ngoại cũng sợ, cũng khóc trong đêm khi đau và cũng gọi bố mẹ khi sợ hãi cái chết đến gần. Bởi ngoại cũng từng là một đứa trẻ trước khi lớn, cũng từng là một đứa con út trước khi trở thành người gồng gánh cả một đại gia đình. Đứa trẻ đó vẫn còn nguyên trong ngoại, điều này chỉ có M. được nhìn thấy.
Ngoại thương sai người
Giây phút M. giận ngoại ở cuối phim hẳn không còn vì tài sản nữa, M. vùng vằng vì ngoại thương sai người, ngoại để lại cả căn nhà cho cậu út, người ăn cắp những đồng tiền ngoại đi bán cháo sáng, người phải trốn nợ ở tuổi trung niên. Vậy là, đâu phải đứa con ngoan nhất mới là đứa được cha mẹ thương nhất, cha mẹ không biết thương ai nhất, chỉ là thương thôi. Ngoại sợ khi mình đi rồi thì cậu út không có nổi lấy căn nhà để ở. Đó là sự bao bọc cuối cùng ngoại có thể làm dành cho đứa con yếu đuối nhất.
Nó không về nhà thì tốt hơn, nó không về nghĩa là cuộc sống nó đang ổn
Đa số chúng ta khi thành công đâu ai muốn mãi quanh quẩn bên ngôi nhà, ta đủ lông đủ cánh chẳng phải để bay đi thật xa hay sao. Ta thành công thường thì sẽ muốn tiếp tục “đánh đông dẹp bắc”, thành công như một lý do hợp tình hợp lý để ta không thường xuyên trở về nhà. Giống ông cậu Kiang, khi có nhà cao cửa rộng, cậu không về ngôi nhà cũ kỹ chăm ngoại mà nhất định đem ngoại lên nhà của mình. Và khi mệt mỏi, thất bại thì chúng ta mới trở về nhà giống ông cậu Soie. Khi không còn nơi nào để đi đến ta mới trở về nhà, điều này vừa ấm áp và cũng lại thật buồn.
Ngôi nhà duy nhất chúng ta mua được cho ngoại có lẽ là ngôi mộ
M. khi còn nhỏ muốn mua cho ngoại một ngôi nhà vì nhà ngoại đang ở đã cũ kỹ. Và đến giây phút cuối đời, khi M. gõ vào quan tài dẫn đường cho ngoại, M. đã nói đây là ngôi nhà mà cháu mua cho ngoại, nó giống như một lời hứa thật đẹp đã thành hiện thực.
Đến cuối phim, M. vẫn nhận được số tiền thừa kế mà anh luôn khao khát, nhưng giờ số tiền đó bỗng trở nên nhẹ bẫng và cũng không còn quan trọng nữa khi không còn bà. Số tiền đó có thể đủ cho bước khởi đầu sự nghiệp của M. trở nên dễ dàng nhưng hơn hết, M. đã trưởng thành khi cho đi thứ mà người thân luôn cần mà ít ai có thể cho được, đó là “thời gian”. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể báo hiếu được ông bà cha mẹ bằng tiền. Chỉ có sống tự lập, kiên cường và hạnh phúc thì lúc đó ta mới thực sự đã báo hiếu.